Doanh nghiệp cá ngừ và VASEP góp ý Đề án về chuỗi giá trị cá ngừ
Tin đăng ngày:3/2/2012 - Xem: 2031
Với mục tiêu nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị của cá ngừ đại dương, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi cá ngừ đại dương, hài hòa lợi ích cho các bên tham gia trong chuỗi từ khai thác, thu mua, chế biến tiêu thụ, quản lý, phát triển ngành sản xuất, cá ngừ theo hướng công nghiệp, hiện đại, gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền trên biển...Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông đang xây dựng đề án Tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi, kế hoạch thực hiện từ năm 2014 đến 2017. Hiện nay đề án đang được dự thảo và lấy ý kiến đóng góp của các bên liên quan trong chuỗi. Hiệp hội VASEP đã nhận được một số ý kiến đóng góp của DN cho đề án.
Theo đánh giá của các DN và Hiệp hội VASEP, đề án đã theo sát được với nhu cầu thực tế hiện nay và đặc biệt là qua đó nâng cao vị thế và giá trị ngành hàng cá ngừ. Tuy nhiên, với đặc thù năng lực khai thác xa bờ của Việt Nam còn hạn chế về cả tàu thuyền, công nghệ khai thác và công nghệ bảo quản sau thu hoạch nên sản lượng khai thác được còn chưa tương xứng so với tiềm năng. Chi phí sản xuất ngày càng cao tính trên giá trị sản phẩm thu được cũng tác động lớn tới giá trị mang lại của các lực lượng trong chuỗi sản xuất tiêu thụ. Cơ chế tín dụng vốn lưu động cho người đi khai thác còn chưa ổn định và thiếu tính hỗ trợ, phần lớn nguồn vốn này vẫn sử dụng tín dụng từ các doanh nghiệp và đặc biệt các cơ sở, đại lý thu gom hải sản. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ tại các cảng cá tại Việt Nam chưa đồng đều và còn thiếu hoặc chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh (ATVS) cũng đang là mối quan ngại của các DN thu mua XK cá ngừ (bị nhiễm vi sinh). Bên cạnh đó, kinh doanh thương mại XNK cá ngừ - loài di cư - đang và sẽ chịu nhiều chi phối, quy định của các nước và các tổ chức quốc tế, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị và tham gia của nhiều bên, bao gồm cả cơ quan Nhà nước, DN và cộng đồng ngư dân.
Từ thực tế trên DN cá ngừ và Hiệp hội VASEP có một số nội dung góp ý để Đề án có tính khả thi cao hơn:
- Có chương trình nâng cấp, điều chỉnh cơ sở hạ tầng và điều kiện ATVS Cảng cá phù hợp với yêu cầu ATVS, bảo quản sau thu hoạch nhằm tránh cá ngừ và hải sản khai thác bị nhiễm thứ cấp về vi sinh, ảnh hưởng tiêu cực tức thì đến chất lượng và giá trị thương mại của cá Ngừ. Đồng thời, củng cố và nâng cao năng lực quản lý cảng cá cho các Ban quản lý theo hướng đảm bảo ATVS và thống kê được sản lượng.
- Có các Dự án xứng tầm, bao gồm cả kêu gọi đầu tư, xã hội hóa để hình thành các đội tàu công suất lớn, có khả năng đi biển xa, dài ngày, có các công nghệ và thiết bị bảo quản sản phẩm tốt - tăng bám biển bảo vệ chủ quyền cũng như khai thác được nguồn lợi hải sản có giá trị.
- Cùng với việc xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về IUU, Bộ NNTNT cần triển khai khắc phục và cải thiện cơ bản các hạn chế và tồn tại về công tác quản lý IUU (Thông tư 28/2010/TT-BNNPTNT) theo các Kết luận của Ủy ban EU (DG-MARE) tại lần đánh giá công tác quản lý IUU lần thứ nhất năm 2013, nhằm thực hiện tốt cam kết và tránh rủi ro cho XK hải sản sang EU nói chung và cá ngừ nói riêng.
- Ban hành hoặc điều chỉnh các chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ tàu, ngư dân, các HTX, DN vay để đầu tư và duy trì hoạt động khai thác trên biển, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc bám biển bảo vệ chủ quyền cũng như tạo ra sản lượng khai thác ổn định cho phát triển kinh tế.
- Có đề án hoặc chương trình hàng năm để quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm cá ngừ Việt Nam.